Công ty TNHH MTV Thoát nước và PTĐT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Tin tức

 

Công nghệ kè bê-tông cốt sợi phi kim thành mỏng đúc sẵn đã được sử dụng vào thi công kè hồ Hoàn Kiếm dài gần 1.500 m

Năm 2007, nhân hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương của TP Hà Nội đầu tư xây dựng, tôn tạo, nâng cấp Khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, trong đó có dự án làm mới kè hồ Hoàn Kiếm.

Về đích trước 25 ngày

Tuy nhiên, đến năm 2019, công trình xây dựng kè hồ Hoàn Kiếm mới thực sự khởi động và Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (BUSADCO, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trúng thầu thi công bằng chính công nghệ BUSADCO - sản phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Ngày 10-10-2020, Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội và gắn biển công trình.

Lực lượng thi công vui mừng trong giờ phút hợp long kè hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh tư liệu của BUSADCO)

Tổng Giám đốc Công ty BUSADCO là Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam - trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án xây kè hồ Hoàn Kiếm. Lực lượng thi công đã thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa gấp rút thi công, hợp long toàn tuyến vào ngày 20-8, về đích trước 25 ngày, với 65 ngày đêm thi công không ngưng nghỉ. Khoảng 150 cán bộ, công nhân chia làm 3 ca/ngày, có ngày cao điểm huy động hơn 300 lao động.

Công trình dài gần 1.500 m, cao trình kè thay đổi từ +8 m đến +8,57 m, cao độ đáy hồ trung bình +5,6 m; sử dụng công nghệ kè bê-tông cốt sợi phi kim thành mỏng đúc sẵn.

Trách nhiệm và tâm huyết

Kè hồ Hoàn Kiếm là công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, không chỉ đòi hỏi tuân thủ Luật Đầu tư và Luật Xây dựng mà còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản. Vì thế, trước đó nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật kè hồ của nhiều công ty, tập đoàn đã được đề xuất nhưng chưa có giải pháp nào phù hợp với tiêu chí và yêu cầu thi công.

Cái khó của dự án là không dùng tường vây, đê bao, không làm thay đổi mực nước hồ; không làm đường công vụ - các phương tiện thi công di chuyển trên đường đi bộ hiện trạng; bảo đảm giữ nguyên trạng nền tự nhiên đáy hồ và cây xanh di sản xung quanh bờ hồ; không phá vỡ kết cấu nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè chung quanh hồ; hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thi công. 

Quá trình thi công không được làm ảnh hưởng đến các công trình di tích, văn hóa, lịch sử; không ảnh hưởng giao thông đô thị, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần thường ngày của người dân; kết hợp xử lý kịp thời tại hiện trường các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan… Đó là những yêu cầu nghiêm ngặt nhất quyết phải tuân thủ.

Một nhóm các bô lão sống chung quanh hồ Hoàn Kiếm ngày nào cũng ra bờ hồ quan sát việc thi công rồi tấm tắc ngợi khen: "Tướng giỏi, thợ hay, phải có trách nhiệm và tâm huyết như vậy thì hồ Hoàn Kiếm linh thiêng mới có bờ hồ đẹp, kè chắc; đền Ngọc Sơn thêm uy nghi từ mùa thu này".

Đêm, hồ Hoàn Kiếm lung linh, huyền ảo. Bài hát "Còn mãi một hồ Hoàn Kiếm" của nhạc sĩ Trọng Phương, được ca sĩ Trọng Tấn cất lên trong dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội: "Dấu ấn thời gian tạc sử xanh… Hồ Hoàn Kiếm xanh ngày càng thêm tươi đẹp/Ơn tay người kè tạc dựng xây". 

Phát huy giá trị di sản Phật giáo thời Lý

Nhân kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 9-10, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức tọa đàm khoa học "Di sản Phật giáo thời Lý với Thăng Long - Hà Nội". Phát biểu khai mạc, Hòa thượng, TS Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết vương triều Lý tồn tại hơn 200 năm, từ 1009 đến 1225.

Trong thời gian này, đạo Phật trở thành nền tảng tư tưởng của xã hội, là kim chỉ nam thể hiện sức sống tự lực tự cường, tinh thần độc lập dân tộc. Tuy nhiên, những di sản thời Lý, đặc biệt là những di sản Phật giáo gắn với kinh đô Thăng Long, đến nay chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Việc làm rõ những giá trị di sản vật thể, phi vật thể không chỉ nhằm tôn vinh Phật giáo ở thời Lý mà quan trọng hơn là làm thế nào kế thừa, phát huy giá trị di sản Phật giáo thời kỳ này trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

B.T.C

Phạm Quốc Toàn

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

THƯ VIỆN VIDEO

LIÊN HỆ

  • Số 6 Đường 3 tháng 2, Phường 8, Thành phố Vũng Tàu
  • (0254) 3853125; (0254) 3511103

  (0254) 3511385

  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

MST: 3500614211

Scroll to top